Chào bạn.
Hiểu một cách đơn giản thì đa nang buồng trứng là buồng trứng có nhiều nang nhỏ, không phát triển được, dẫn đến vô sinh. Những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt dưới 25 hoặc trên 35 ngày sẽ có nhiều nguy cơ không phóng noãn liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang. Ở hội chứng này, buồng trứng có một lớp vỏ dày, chắc và không có sự phóng noãn nên hàng tháng các nang trứng không thể phát triển thoải mái, cũng như không thể phá vỡ lớp vỏ dày để có hiện tượng phóng noãn.
Biểu hiện ban đầu của hội chứng buồng trứng đa nang là kinh nguyệt không đều, thưa và kéo dài, máu kinh thất thường, ít. Sau 2-3 năm kể từ lần hành kinh đầu tiên, nếu kinh nguyệt vẫn không đều, cần nghĩ nhiều đến hội chứng này. Nếu đúng là đa nang buồng trứng, các nang trứng sẽ tích tụ dần nội tiết tố, làm thay đổi đáng kể tình trạng nội tiết ở người phụ nữ. Nồng độ hoóc môn nam trong cơ thể tăng lên, khiến lông phát triển giống như nam giới (mọc ria mép, lông mày rậm, lông chân, lông bụng nhiều). Do nồng độ hoóc môn nữ cũng rất cao nên bệnh nhân vẫn có nhu cầu và khả năng hoạt động tình dục như bình thường.
Do không để ý nhiều đến các dấu hiệu rậm lông, kinh nguyet khong deu… nên phần lớn bệnh nhân buồng trứng đa nang chỉ đi khám và được phát hiện bệnh khi đã kết hôn lâu ngày mà không có thai (khoảng 10 năm sau lần hành kinh đầu). Bệnh được phát hiện càng muộn, việc điều trị càng khó khăn và ít hiệu quả.
Nguyên tắc điều trị chung đối với hội chứng đa nang buồng trứng là gây phóng noãn cách thực hiện có khác nhau tùy theo việc bệnh nhân muốn có thai ngay hay không. Những phụ nữ chưa muốn có thai sẽ được điều trị bằng thuốc kích thích phóng noãn. Các thuốc này giúp nang trứng phát triển to lên, vỡ ra và phóng noãn. Khả năng thành công tùy thuộc vào độ dày của vỏ buồng trứng và mức độ đáp ứng của từng người. Trong khi điều trị bằng phương pháp này, người phụ nữ có thể mang thai nên phải áp dụng các biện pháp phòng tránh (trừ việc dùng thuốc tránh thai vì dược phẩm này ức chế phóng noãn).
Những phụ nữ muốn có thai ngay sẽ được điều trị theo các bước:
- Kích thích thử buồng trứng bằng các thuốc gây phóng noãn. Trong quá trình dùng thuốc, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển nang noãn bằng đầu dò âm đạo hoặc que thử phóng noãn (thử nước tiểu). Bệnh nhân cần giao hợp quanh những ngày nghi ngờ có phóng noãn. Sau không quá 6 chu kỳ, nếu không có thai, bệnh nhân sẽ chuyển sang bước sau.
- Can thiệp ngoại khoa buồng trứng
Bác sĩ cắt bỏ một phần hoặc chọc thủng vài vị trí bề mặt buồng trứng để giải phóng các nang noãn. Bằng kỹ thuật nội soi, họ trổ vài điểm trên bề mặt buồng trứng, phá vỡ bức tường dày và chọc bớt vài nang noãn phát triển dở dang trước kia. Các nang bị phá này sẽ làm thay đổi nội tiết, giúp các thuốc kích thích phóng noãn có tác dụng hơn, đồng thời các nang khác có cơ hội lách vào những khoảng trống vừa tạo ra để to lên và vỡ ra ngoài. Với cách điều trị này, 50-60% trường hợp hiếm muộn đơn thuần (chỉ mắc hội chứng buồng trứng đa nang) sẽ có thai. Sau mổ, bệnh nhân thực hiện thụ thai ngay; nếu qua 6 chu kỳ không thành công, nên thực hiện kích thích phóng noãn như bước một, nhưng không quá 6 chu kỳ. Nếu vẫn không mang thai thì tốt nhất là thụ tinh trong ống nghiệm.
Những phụ nữ từng mắc hội chứng buồng trứng đa nang rất dễ bị sẩy thai. Vì vậy, khi đã có mang, họ cần được hỗ trợ bằng nội tiết tố nhau thai.
Chúc bạn sức khỏe.
Chuyên gia sản phụ khoa.