Trên 99% u xơ là lành tính tuy nhiên khối u vẫn có thể gây nên những biến chứng bất ngờ như: chèn ép lên bàng quang và trực tràng gây bí tiểu, táo bón, ứ nước gây suy thận… Ở một số vị trí đặc biệt, u xơ tử cung còn có khả năng gây hiếm muộn. Tuy nhiên, u xơ do một loại gen gọi là gen đơn dọc gây nên do đó không có cách phòng ngừa cụ thể như một số bệnh mà có tính chất gia đình. Ví dụ người mẹ bị u xơ thì nhiều khả năng con cũng bị bệnh này và chỉ có thể phát hiện sớm nhờ khám định kì hoặc siêu âm tổng quát.
Vì là bệnh lành tính nên rất ít trường hợp nguy hiểm cho tính mạng. Tùy từng trường hợp cụ thể mà có phương pháp điều trị hợp lý: dùng thuốc gây hoại tử với khối u nhỏ và người bệnh chưa sinh con lần nào; phẫu thuật bóc tách khối u với khối u kích thước quá lớn; hoặc cắt bỏ tử cung nếu bệnh nhân đã lớn tuổi và không muốn sinh con nữa...
Với những trường hợp bóc tách khối u, người bệnh sẽ có nguy cơ tái phát và sau điều trị thường phải sinh mổ hoặc ảnh hưởng nhiều đến khả năng mang thai. Nguyên nhân là do tử cung đã bị tổn thương, thai có thể gây vỡ tử cung hoặc gây băng huyết sau sinh rất nguy hiểm (tử cung bị đờ không co bóp như bình thường).
Đối với những trường hợp phát hiện u xơ trong quá trình mang thai cần hết sức cẩn thận vì đây là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai cao do khối u chèn ép. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, cơ thể thai phụ cũng sản sinh nhiều estrogen hơn bình thường do đó kích thước khối u cũng gia tăng hơn.
Thai phụ cũng khó sinh thường vì cửa tử cung đã bị chặn bởi khối u. Vì vậy, trong quá trình sinh mổ nếu tiên lượng có khả năng thành công các bác sĩ sẽ kết hợp bóc tách khối u. Nhưng nếu tiên lượng nguy cơ mất nhiều máu hơn sẽ không tiến hành vì như thế sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng thai phụ.
Trong trường hợp có thể sinh thường được, các bác sĩ cũng sẽ phải đưa ra nhiều tình huống giả định, chẳng hạn tiêm thuốc trợ giúp tử cung co bóp đẩy thai hoặc có biện pháp dự phòng băng huyết sau sinh…
|